1. Tập cho bé ăn nhiều loại thức ăn khác nhau từ giai đoạn ăn dặm (lúc
5-7 tháng tuổi). Lúc này, vị giác chưa phát triển nên trẻ dễ dàng tiếp nhận các
loại thức ăn có mùi vị khác nhau, tạo thành thói quen ăn uống đa dạng khi lớn.

2. Không bao giờ cho thuốc vào thức ăn như sữa, nước trái cây,
chuối… làm trẻ sợ và luôn cảnh giác với thức ăn.
3. Không cần thiết
canh quá kỹ từng bữa ăn, từng muỗng bột, vài chục ml sữa… Có lúc trẻ ăn ít
một chút rồi sau đó sẽ ăn bù.
4. Làm cho bé thích thú với thức ăn
bằng câu chuyện ngộ nghĩnh về thực phẩm, màu sắc xanh đỏ của rau, cà rốt… Thức
ăn có mùi vị hấp dẫn và được thay đổi sẽ giúp bé ham ăn hơn.
5. Bạn
đừng quá cứng nhắc đặt bé vào ghế ăn, khăn yếm quá chỉnh tề. Hãy cho bé ngồi
thoải mái nơi ưa thích. Để bé được tự xúc cùng mẹ dù còn vụng về, đổ tháo. Nhiều
khi bé thích bốc, nhón thức ăn... vì như vậy thú vị hơn ngồi há miệng để mẹ đút.
Chén đĩa, ly tách, muỗng... có hình thù ngộ nghĩnh sẽ làm cho bữa ăn của bé thật
sự trở thành một cuộc vui. Bạn hãy nhớ, ở tuổi này bé không chỉ ăn mà còn bận
rộn khám phá cả thế giới.
6. Lớn lên một chút, bé thích được hỏi mình
muốn ăn gì. Bé có thể tham gia đi lựa mua thức ăn cùng mẹ và “phụ” nhặt rau,
rửa cà… Chắc chắn các món có sự tham gia của bé sẽ làm bé cảm thấy ngon hơn.
7. Đừng dùng thức ăn vào các mục đích khác như trừng phạt hay
khen thưởng, lâu ngày sẽ dẫn đến các rối loạn hành vi ăn uống. Trẻ dễ có khuynh
hướng dùng việc ăn uống để phản đối hay gây sức ép lại cha mẹ khi chúng gặp khó
khăn.
8. Không cho trẻ ăn quà vặt trước bữa ăn chính trong vòng
1,5 đến 2 giờ, làm bé “ngang dạ” khi vào bữa ăn.
9. Có những giai đoạn
bé ham thích và ăn liên tục một loại thức ăn nào đó như trứng hay cả nải chuối
mỗi ngày. Hãy để bé ăn thỏa thích, bé sẽ trở lại ăn uống bình thường sau
vài ngày hoặc vài tuần.
10. Có những giai đoạn biếng ăn sinh lý, thường
trùng với lúc trẻ học thêm các kỹ năng mới. Đừng ép uổng quá đáng làm bé biếng
ăn thực sự. Các thời điểm biếng ăn sinh lý thường gặp lúc trẻ 7-9 tháng; 2-3
tuổi; 5-6 tuổi.